Do không thể chờ được LG ra bản chạy Ryzen, mình đã phải mượn con LG Gram 2020 14ZD90N mới mua được vài tiếng để review. LG đã khiến mình khá bất ngờ vì một số lý do…
0. Mua hàng
Bạn mình mua ở Tiki đúng đợt giảm giá, giảm được 700k so với mua ngoài tiệm; hôm trước đặt hôm sau nhận máy luôn. Bạn mình cũng biết là mua về cũng chỉ để làm chặn giấy nên mới tìm đến mình chứ không còn khướt mình mới được review con này.
Link Tiki cho bạn nào có nhu cầu săn sale: https://tiki.vn/laptop-lg-gram-2020-14zd90nvax53a5-core-i51035g7-8gb-256gb-nvme-14-fhd-ips-nonos-white-hang-chinh-hang-p51462522.html
Thông số kỹ thuật:
- CPU: Intel Core i5-1035G7, 4 cores 8 threads, 1.2GHz – 3.7GHz (Turbo), 6MB cache
- RAM: Samsung 8GB DDR4 3200MHz Onboard (còn trống 1 khe)
- Ổ cứng: 256GB Samsung PM981a PCIe NVMe M.2 SSD (còn trống 1 khe)
- Card đồ họa: Intel Iris Plus Graphics G7 (Ice Lake 64 EU)
- Màn hình: 14″ FHD (1920 x 1080) IPS, sRGB 96%, 300nits
- Webcam: HD Webcam with Dual Mic
- Hệ điều hành: Chặn giấy OS
- Pin: 4 Cell 72WHr (9.450mAh) – Giờ còn ai quan tâm đến số cell pin nữa à
1. Mở hộp – Ngoại hình
Cảm giác ban đầu của mình khi mở hộp đó là… nó chả khác gì so với 2 năm trước mình mở con 13Z980 cả. Vẫn là hộp màu trắng (do bản màu trắng), bên trong là túi đựng bằng nhựa (?), có dây in chữ “g” để kéo máy khỏi hộp, cạnh máy là nơi đựng sạc và cáp mạng C-Ethernet.
Sau khi bóc một đống seal thì ta chuyển sang nhân vật chính nào!
Cảm nhận đầu tiên của mình là nó không to hơn so với 13 là mấy. Có thể đây cũng là lý do mà LG giải tán luôn bản 13 inch cho đời 2020. Khi cầm máy cũng đỡ có cảm giác như cầm cục nhựa như bản đời trước, chắc một phần do LG đã làm nhám bề mặt nắp gập.
Mặt dưới máy vẫn gọn gàng như trước, với 5 núm cao su và 3 miếng nhựa mỏng che con ốc. Không tem bảo hành, không tem giảm giá bản quyền, không tem nhà nhập khẩu, không tem kiểm định chất lượng luôn. Tất cả chỉ có miếng thông tin bằng nhựa, thích thì có thể bóc, khi đi bảo hành lại dán lại. Tuy vậy, cái miếng này lại được dán một cách cẩu thả, lệch vài độ so với đường nằm ngang :/ .
Như nhiều máy cao cấp khác, LG Gram 2020 14ZD90N KHÔNG CÓ KHE HÚT GIÓ phía dưới. Máy hút gió từ phía bản lề, thổi ra phía bản lề nốt, rất không hiệu quả.
Tiếp đến là cạnh bên. Phần này không có sự thay đổi gì nhiều so với phiên bản trước ngoài việc cổng C giờ hỗ trợ Thunderbolt 3 40Gbps. Cổng C vẫn hỗ trợ sạc máy, sạc ngược thiết bị ngoài, xuất hình,… nói chung là tất cả những gì cổng C và Thunderbolt cung cấp là LG Gram 2020 14ZD90N hỗ trợ hết (mình chưa thử với eGPU nhưng chắc được thôi).
Mở máy ra nào. Điều đầu tiên mình nhận thấy là sự nhàn hạ của kỹ sư thiết kế của LG. Màn hình, webcam, bàn phím, trackpad vẫn y hệt 2 năm trước, chẳng có gì thay đổi cả. Vẫn như thường lệ, màn hình IPS của LG được cân chỉnh khá tốt, màn gương bóng (glossy) chứ không phải nhám (mattle). Bàn phím khá chắc chắn, phím mũi tên vẫn như cho trẻ con bấm. Trackpad máy dùng tạm ổn, tuy có hơi bé một chút.
Điểm khác biệt duy nhất so với 2 đời trước đó là sự xuất hiện của cảm biến vân tay ở nút nguồn. Cảm biến này cũng có tính năng lưu tạm vân tay để phục vụ quá trình đăng nhập không chạm.
Và tất nhiên, đời mới hơn thì có dàn tem mới hơn. Khá khen cho Intel là tem đời 10 khá đẹp, không nỡ bóc. Tuy nhiên cái tem giảm giá bản quyền HDMI và cái tem “Tiết kiệm năng lượng” của Việt Nam thì trông thật sự chán. Ý LG muốn thể hiện họ đã làm tất cả để máy tiết kiệm năng lượng nhất có thể???
Nói đến năng lượng, cấp năng lượng cho máy là một cục sạc 48W với thiết kế dây ra khá lạ lẫm. Phải chăng, thiết kế dây theo cách này giúp dây sạc đỡ bị đứt hơn?
Ngoài ra, LG còn khuyến mãi thêm một cáp C-Ethernet và một tấm silicon che bàn phím (và che tản nhiệt).
2. Cài đặt
Bắt đầu với phần nghịch ngợm BIOS xem có gì hay ho không nào. Sau khi bấm Ctrl+Alt+F7, ta có thể truy cập menu ẩn của BIOS. Đầu tiên hãy xem thông số nền tảng…
Máy chay nền tảng Icalake, xung nhịp CPU được LG đưa lên 1.5GHz (cTDP up) thay vì 1.2GHz (base). CPU không có L4 cache như các CPU kèm Iris Graphics cũ hơn.
Tuy xung nhịp được đẩy lên 1.5Ghz, giá trị PL1 lại ở mức 15W (Norminal). Có lẽ, giá trị này chịu ảnh hưởng từ Intel Dynamic Tuning Technology (Intel DTT).
Nghịch ngợm các kiểu ở BIOS nhưng dường như các giá trị mình thay thế vào như undervolt, mở PL1 đều không có hiệu quả khi dùng trong Windows. Có lẽ, Intel DTT đã vô hiệu hóa việc này.
Ngoài ra, LG còn để lai một tùy chọn ẩn rất khó hiểu, đó là chế độ sạc. Có 2 tùy chọn sạc: sạc nhanh và sạc thường. Mặc định nhà sản xuất để là sạc thường nên mình cũng không nghịch ngợm.
Tiến hành cài Windows thôi. Cắm USB vào, khởi động bộ cài và oạch… trackpad không sử dụng được, chuột USB mình cũng không có. May mắn thay, kỹ năng anh hùng bàn phím của mình cũng không đến nỗi tệ nên qua được bước cài đặt, phân vùng cũng không mấy khó khăn.
Tưởng sau cơn mưa trời lại sáng, nhưng không. Không những trackpad không có driver mà cả card wifi cũng chung số phận. Lỗi trackpad thì có thể đổ lỗi lại LG, nhưng cái card wifi phổ thông như con Intel AX201 mà không có driver sẵn thì thật là một điểm trừ lớn cho Microsoft.
Cũng ơn giời là LG có sẵn một phân vùng để khởi động “Hướng dẫn sử dụng OS” và phân vùng đó cũng chứa đầy đủ driver cho máy. Sau 10 phút múa phím thì cuối cũng cùng đến đoạn cài driver.
Và cuối cùng thì mọi thứ cũng được cài xong.
3. Hiệu năng
Thời gian mượn máy của mình khá ngắn nên không thể đánh giá chi tiết hiệu năng của máy. Các bạn có thể đọc review trên mạng, nó sẽ đúng trong trường hợp của LG Gram 2020 14ZD90N.
- Intel Iris Plus Graphics G7 (Ice Lake 64 EU) sẽ đối đầu được với GPU rời Nvidia MX250, miễn là bạn đủ RAM để bù phần VRAM cho card đồ họa.
- Ổ SSD Samsung PM981a thì khỏi phải bàn, được coi là bản cho OEM của Samsung 970 EVO Plus, tốc độ đọc tuần tự 3,5GB/giây, ghi tuần tự 2.2GB/giây.
- Sử dụng các tác vụ thông thường rất mượt mà, khi cần CPU sẵn sàng bay lên 3.5-3.6GHz (gấp 3 lần xung nhịp gốc)
- Nhiệt độ dùng bình thường ở loanh quanh 70 độ C.
Giờ đến điểm yếu nhất của LG Gram. Thực ra, điểm này mình đã nói sẵn ở trên rồi: Nóng khủng khiếp và hiệu năng đa nhân thảm hại.
Khi chạy Cinebench R20 (các bạn đừng hỏi vì sao mình chạy render 3D, dùng AVX/AVX512 trên một con laptop văn phòng, cơ bản là mình thích), CPU nhảy luôn xuống 1.5GHz và bay lên 90 độ (PROCHOT của LG). Sau đúng 28 giây huy hoàng (PL1 time limit), Intel DTT bắt đầu vào cuộc. Xung nhịp giảm thô bạo xuống xung quanh 1GHz, thi thoảng nhảy lên 1.2GHz, mức độ tải được giữ ở 80%. Nhiệt độ lúc này có giảm xuống đôi chút so với 90 độ; quạt của máy dường như chẳng buồn hoạt động hết công suất.
Và kết quả không những làm mình thất vọng mà làm vô số người khác thất vọng cùng mình. i5-1035G7 trong LG Gram 2020 14ZD90N chỉ đạt xung quanh 700cb, nghĩa là còn yếu hơn cả i5-8250U từ 2 năm trước. i5-1035G7 nếu được cấu hình tốt có thể vượt qua i7-6700HQ với 1650cb; nhưng LG chọn cách quá an toàn, chỉ cho CPU chạy ở mức cTDP down là 12.5W.
Cơ mà các bạn trông chờ gì ở một con máy mỏng nhẹ cơ chứ? Đây sẽ là vấn đề rất lớn với LG Gram 17, chứ bản 14 và 15 inch thì không mấy ai quan trọng quá nhiều hiệu năng đa nhân (nếu bạn quan trọng hiệu năng đa nhân thì Asus Zephyrus G14 là lựa chọn phù hợp hơn nhiều).
OK, không quan tâm nhiều đến hiệu năng, thì chắc pin cũng phải tốt lắm nhỉ? Được thừa hưởng quả pin 72Wh từ vài năm trước và bộ vi xử lý tiến trình Intel 10nm (tương đương 7nm với phần còn lại của thế giới), LG Gram 2020 14ZD90N có thời lượng sử dụng ít hơn so với LG Gram 2018 14Z980 là 3 giờ (Mobile Mark 14, LG cung cấp số liệu). Vâng ạ, sau 2 năm cải tiến công nghệ, chúng ta có một con máy hiệu năng gần tương đương và pin giảm 14%. Hoan hô LG!
4. Nâng cấp
Đây là phần mình thích nhất. Nghe thật hủy hoại danh tiếng nhãn hàng làm sao khi mà bạn vừa mua máy và ngay ngày đầu đã lên trung tâm bảo hành để sửa chữa. Cái cảm giác đó không khác gì Putin đi trong sảnh đường.
Vào vấn đề chính nào. Bạn mình có nhu cầu thi thoảng dựng phim, và có chút ít nhu cầu lưu trữ (vì dù sao 256GB vẫn là quá ít và ổ cứng gắn ngoài chưa bao giờ hết phiền toái). Mình tư vẫn làm gói combo thêm 16GB RAM và 1TB SSD NVME. Lý do như sau:
- Máy hàn sẵn 1 thanh RAM 8GB 3200MHz, muốn dựng phim thoải mái cần tối thiểu 16GB RAM. Tuy nhiên, nếu xét về độ thoải mái thì 24GB vẫn ổn hơn nếu muốn chạy cả Photoshop, After Effects và Premiere Pro cùng lúc. Và giá thanh 16GB cũng không cao hơn quá nhều so với 8GB (1600k cho 16GB và 850k cho 8GB).
- SSD thì máy chỉ lắp được m.2, mà với dung lượng 1TB thì NVME và SATA chẳng chênh tiền nhau mấy (1TB Lexar NM610 NVME giá 2650k, 1TB Intel 540s SATA giá 2400k).
Vậy là chốt đơn 4 triệu 2 (giảm 50k khách hàng thân thiết): 16GB Samsung DDR4 3200MHz và 1TB Lexar NM610 NVME. Quá ổn cho một cuộc tình.
Thanh RAM thì mình khỏi review, vì đơn giản nó là thanh RAM, lắp vào chạy được là ok. Còn con Lexar NM610 thì mình thấy quá ổn trong tầm giá. Chỉ 2 triệu 6 đã được 1TB, đã thể còn dùng TLC, vốn bền hơn QLC của đối thủ. Tuy tốc độ ghi chỉ là 1.6 GB/giây, tốc độ đọc là 2.1 GB/s nhưng với nhu cầu để lưu trữ dữ liệu và chứa cache cho phần mềm của Adobe thì tốc độ này là quá đủ. Về phần ngoại hình, 1TB được trải ra trên 4 chip nhớ 256GB và nằm trên cùng một mặt. Chip điều khiển là SMI SM2263XT, không có DRAM. Việc SSD này không có DRAM lại càng khiến việc sử dụng nó để chứa dữ liệu và có 24GB RAM trở nên hợp lý hơn.
Sau khi đem bảo hành và nói chuyện chán chê với anh nhân viên kỹ thuật, thì đây là thành quả:
Để kết thúc, mình xin tóm tắt lại bằng bảng sau:
Điểm mạnh | Điểm yếu |
Pin lâu Nhẹ Màn hình tốt Cảm biến vân tay tiện lợi Bàn phím ổn Có Thunderbolt 3, đầy đủ tính năng của cổng USB-C, 2 cổng USB-A Khả năng nâng cấp khủng khiếp | Nóng Hiệu năng không cao Màu trắng dễ bám bẩn Không có sẵn driver cho trackpad và card wifi |